Với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo sử dụng công nghệ nuôi cấy vi sinh, kết hợp với trang thiết bị máy móc hiện đại, chị Nguyễn Thị Hồng là 1 trong 9 nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 có doanh thu “khủng” nhất – trên 40 tỷ đồng/năm…
Được biết đến là người đầu tiên tại Việt Nam nuôi trồng thành công quả thể nấm đông trùng hạ thảo loại Cordyceps Militaris, chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc vốn tự nhận mình là một nữ nông dân có một khát vọng cháy bỏng là xây dựng mô hình sản xuất khép kín, gồm nghiên cứu – nuôi trồng – chế biến – phân phối, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng liên kết từ loại đông dược quý này.
Hiện nay, công ty của chị với hai cơ sở sản xuất ở Hà Nội và Đà Lạt (Lâm Đồng) tạo công ăn việc làm cho 98 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân của người lao động khoảng 7 triệu đồng/tháng.
“Tôi là nông dân, thành công cũng nhờ nông dân”
Khi nhắc đến chị là một tỷ phú nông dân, giờ đây người ta hay nói sở dĩ chị được “ăn nhiều” là bởi vì chị đã “dám liều”. Bỏ công việc ở một công ty bia để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đó chính là thời khắc liều lĩnh của chị?
Tôi là một nông dân, xuất thân từ gia đình làm nông. Từ nhỏ tôi đã say mê với nông nghiệp và luôn khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp. Vì thế, tôi quyết định thi vào Khoa Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Khi còn là sinh viên, tôi từng tham gia làm dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lúc tìm đọc tài liệu, tôi tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo, ngay lập tức tôi bị thu hút.
Ra trường, tôi làm nhân viên kỹ thuật trong nhà máy bia. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ mãi về đông trùng hạ thảo nên quyết định xin nghỉ việc, bắt đầu thử nuôi trồng. Nhưng tôi không nghĩ quyết định đó của tôi là mạo hiểm hay liều lĩnh. Bởi, trước khi quyết định nghỉ việc ở nhà máy bia, tôi đã có 6 năm ròng miệt mài nghiên cứu về loài nấm dược liệu quý hiếm này, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng về tiền bạc đầu tư.
Những khó khăn khi mới bắt đầu, hay câu chuyện chị làm nghiên cứu bằng dụng cụ cũ kỹ, trong một ngôi nhà mái ngói rộng 20 m2… tôi sẽ không hỏi nữa. Nhưng bắt đầu từ năm 2012, khi chị vay ngân hàng để thành lập doanh nghiệp, mọi việc đã thuận lợi hơn chưa?
Thực tế, hai năm 2012 – 2013 mới là quãng thời gian tôi bị vùi dập trong thất bại (cười). Thành lập công ty xong, tôi đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, quá trình triển khai nuôi cấy trên quy mô lớn đã không hề dễ dàng như tôi tưởng tượng. Quy mô nhỏ 500 lọ/mẻ khác với quy mô 5.000 lọ/mẻ.
Do đông trùng hạ thảo là loại khá “đỏng đảnh”, trong khi mình thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên những mẻ nuôi cấy đông trùng hạ thảo bị thoái hóa theo từng giờ chứ không phải từng ngày. Có thời điểm cả chục ngàn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại cả tỷ đồng. Có những thời điểm tôi cả tháng không ra khỏi phòng thí nghiệm, chỉ nghĩ làm thế nào để mọc được cây.
Cuối cùng, “ánh sáng cuối đường hầm” đã hiện ra với chị như thế nào?
Một lần, sau hàng tháng trời ở lì trong phòng thí nghiệm, tôi ra ngoài hít khí trời. Gặp người hàng xóm, tôi hỏi thăm kiểu câu chuyện làm quà: Đợt này bác nuôi lợn nái hay lợn thịt? Bác hàng xóm đáp: Tôi chỉ nuôi lợn thịt, vì chế độ nuôi lợn thịt và lợn nái khác nhau, nuôi lợn nái phức tạp hơn.
Đột nhiên, tôi như được khai sáng vậy, đông trùng mọc cây, đẻ nhánh cũng giống lợn nái đẻ. Nếu tỉ lệ cacbon/nitơ sai, đông trùng chỉ hình thành cơ quan sinh dưỡng mà không hình thành bào tử, tức là cơ quan sinh sản. Ngoài ra, ánh sáng cũng phải thay đổi tùy giai đoạn phát triển. Tôi thử thay đổi công thức, quả nhiên nấm hình thành.
Mọc cây, nhưng nấm chỉ lên được một hai cây trong một lọ hoặc lên nhiều nhưng còi cọc. Sản phẩm không thể bán, tôi lại rơi vào bế tắc. Rồi tình cờ một lần đi ngang qua cánh đồng gần nhà, tôi thấy người dân đang hái ngọn bí ngô vứt đi để cây đẻ nhánh. Tôi bèn bắt chước, về cắt ngọn nấm đông trùng, quả nhiên thấy cây con đua nhau mọc. Hóa ra, đi hỏi khắp nơi nhưng cuối cùng chính những nông dân ở ngay cạnh mình là thầy giáo của mình.
Lên rừng bới tìm lá “vàng”
Tôi nghe mọi người trong gia đình chị kể lại, cuối năm 2015, chị hoàn thiện quy trình sản xuất, bắt đầu bán đông trùng hạ thảo ra thị trường…
Vâng, sau khi điều chỉnh lại các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp, các mẻ đông trùng hạ thảo đã thành công. Những lọ phôi giống đều sống và bắt đầu mọc lên những cây nấm màu vàng. Từ một mẻ nấm, tôi chia làm năm phần, đóng thùng gửi đi Mộc Châu, Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt, để một phần lại Hà Nội để xem nơi nào điều kiện khí hậu giúp nấm phát triển tốt hơn. Kết quả là ở Đà Lạt nấm để trong phòng nhỏ, chỉ mở cửa sổ, không cần bật điều hòa, mà đông trùng hạ thảo lớn nhanh và đẹp nhất. Vì thế quyết định xây dựng thêm cơ sở sản xuất rộng 5.000 m2 tại thành phố này.
Vậy đến giờ, công ty chị đã chủ động được nguồn giống đông trùng hạ thảo hay chưa?
Được sự hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, từ năm 2017, chúng tôi bắt đầu phát triển nguồn gen đông trùng bản địa. Mỗi năm chúng tôi lên đỉnh Fansipan hai lần để tìm giống đông trùng Việt. Đến nay, chúng tôi đã tìm được 115 chủng giống đông trùng ở Hoàng Liên Sơn. Trong 115 chủng giống này, có những chủng giống có hàm lượng hoạt chất cordycepin rất cao, lên tới 10mg/g.
Hôm qua, tôi cũng mới vừa trở về từ chuyến đi tìm con giống đông trùng hạ thảo trên rừng Hoàng Liên Sơn, chuyến đi này kéo dài 6 ngày nhưng rất tiếc là không thu được kết quả gì. Mọi năm, chúng tôi hay lên Hoàng Liên Sơn vào khoảng tháng 4 và tháng 10, đó là thời điểm thuận lợi để tìm thấy giống đông trùng. Năm nay do dịch Covid-19, hạn chế đi lại, nên đến giờ chúng tôi mới lên rừng được.
Mỗi chuyến đi rừng như vậy có vất vả không chị? Mục đích chính của những chuyến đi như vậy là gì?
Vất vả, nhưng gây “nghiện” (cười). Đoàn chúng tôi thường gồm 6 – 7 người, có nhờ cả người bản địa dẫn đường nữa. Chúng tôi thường đi bộ lên đến độ cao 2.200 – 2.300m, mỗi người một cây gậy như các anh lính Trường Sơn khi xưa vậy. Chúng tôi đi sâu vào rừng già, tìm kiếm xung quanh các con suối, dưới những gốc cây to… Đó phải là những nơi có khí hậu ẩm, thảm thực vật dày, ít ánh sáng… Cứ vừa đi bộ vừa ngó nghiêng, đào bới như vậy, rồi đến lúc nào nhìn thấy một con kén hay một mảnh râu như cây kim màu vàng nhô ra… cứ như đào được vàng vậy!
Mục đích chính của tôi trong mỗi chuyến đi như vậy là để tìm nguồn gen đông trùng hạ thảo. Tìm được con giống nào, tôi sẽ lấy 1 chiếc lá sạch của chính cái cây gần đó quấn lại, rồi bỏ vào trong một ống falcon đã khử trùng, để mang về tiến hành tách bào tử để giữ nguồn gen của giống đó, sau đó là định danh ADN xem con giống mình tìm được thuộc loài gì, chi gì, và thứ ba là phân tích xem giống đó có độc tính gì hay không… Tôi kỳ vọng chúng tôi sẽ sưu tầm được một bộ sưu tập giống, rồi lai tạo giống để không bị thoái hóa.
Sắp tới, tôi cũng muốn xây dựng tại Lào Cai một cơ sở nuôi trồng, tôi muốn “thả” đông trùng hạ thảo ở nơi gần nhất với vùng thiên nhiên mà chúng thuộc về, khi đó đông trùng hạ thảo sẽ có dược chất cao và hương vị ngậy thơm đặc trưng.
Giữa đại dịch Covid-19, doanh nghiệp của chị có thể coi là may mắn hơn các ngành nghề khác, khi vẫn tiêu thụ sản phẩm tốt. Chị có tự rút ra được bài học nào cho riêng mình?
Năm nay, điều mà tôi thấy may mắn không phải là vẫn tiêu thụ được sản phẩm hay là “3 tại chỗ” thành công, mà là chúng tôi đã hỗ trợ được rất nhiều cho bà con nông dân nuôi tằm. Do Covid-19, xuất khẩu vỏ kén tơ tằm sang Trung Quốc gặp khó khăn nhưng chúng tôi đã kết nối tiêu thụ được một số lượng lớn kén tằm cho bà con ở Thanh Hoá, Yên Bái, Hà Nội, Thái Bình. Bình quân mỗi tháng chúng tôi thu mua khoảng 3 – 5 tấn kén cho bà con.
Tôi nghĩ rằng, để sản xuất bài bản, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau. Nông dân có nguồn nông sản, doanh nghiệp có dây chuyền, công nghệ chế biến sâu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nông dân sẽ không phải lo lắng hiện tượng dồn ứ khi thị trường bị đóng băng hoặc tiêu thụ khó khăn.
Còn về phía người nông dân, tôi hy vọng về một thế hệ nông dân mới, những người trẻ tuổi phải dám có tham vọng và dám thử nghiệm. Chỉ cần quyết tâm, kiên trì thôi, cộng với sự trợ giúp của khoa học, công nghệ, thế nào cũng có ngày chúng ta cầm được “vàng” trên tay.
Nguồn: Vneconomy (https://vneconomy.vn/chuyen-cua-nu-ty-phu-nong-dan-voi-khat-vong-trong-vang.htm)