Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội vừa được vinh danh là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Thành quả của chị đến từ nỗ lực không ngừng, ham học hỏi và đam mê bất tận.
Sinh năm 1980, hiện là Giám đốc công ty CP Dược thảo Thiên Phúc. Hơn 20 năm trước, khi còn là sinh viên khoa công nghệ sinh học, đại học Khoa học Tự nhiên, chị Nguyễn Thị Hồng đã thích nghiên cứu về nấm. Một lần tìm kiếm tài liệu trên mạng, chị biết đến đông trùng hạ thảo, ngạc nhiên khi nó có tới hơn 20 công dụng, lại hiếm và đắt đỏ.
Ấp ủ ý tưởng để người dân có thể mua đông trùng hạ thảo rẻ và chất lượng, năm 2009 chị sang Trung Quốc mua 1 ống nghiệm giống với giá 5 triệu đồng. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, chị mang về trồng tại nhà. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế khác xa nhau. Quá trình thực hành, chị thấy mỗi chu kỳ giai đoạn phát triển từ khi cấp giống đến thu hoạch hết 4 tháng. Mỗi lần điều chỉnh công thức để phù hợp cũng hết 1 chu kỳ. 2 năm đầu, nấm đông trùng hạ thảo của chị mọc thưa thớt, không đều. Chị Hồng tự tìm hiểu tài liệu điều chỉnh môi trường nuôi cấy, và cuối năm 2011 diện tích thí nghiệm 180 m2 của chị đã đạt như dự định. Từ một phôi nấm, chị nhân ra mỗi đợt 50 lọ, sau đó lên 200 lọ.
Lần đầu đến thăm phòng thí nghiệm của Hồng, ông Nguyễn Ngọc Quán, nguyên Vụ trưởng Hợp tác khoa học kỹ thuật với nước ngoài, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước vừa bất ngờ vừa xúc động, khi thấy chị làm nghiên cứu bằng dụng cụ cũ kỹ, trong một ngôi nhà mái ngói thủng, rộng 20 m2.
Từ thành công bước đầu, dám nghĩ, dám làm, chị Hồng xin nghỉ việc tại một công ty bia mà nhiều người mơ ước về nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo trên diện tích đất 10.000 m2 của gia đình.
Nấm quý trồng được, chị Hồng mang tặng người thân, hàng xóm. Thấy có công hiệu, nhiều người truyền tai nhau, chị bắt đầu có khách hàng. Năm 2012, Hồng quyết định bán một mảnh đất, vay ngân hàng thành lập doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo.
Tuy nhiên, điều chị không hình dung được là trồng đông trùng quy mô phòng thí nghiệm khác với sản xuất đại trà. Những mẻ nấm liên tiếp thất bại. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị chất đầy một ôtô đông trùng hạ thảo chở ra bãi rác.
Mất cả tỷ đồng, những đêm đó, bà chủ trẻ gần như không ngủ. Cứ hai giờ sáng, chị dùng xe máy chở 1,5 tạ nấm ăn ở vườn nhà, mang đi bán khắp các chợ đầu mối Hà Nội để lấy tiền chi tiêu cho gia đình.
“Sau hàng tháng trời ở lì trong phòng thí nghiệm, chị ra ngoài hít khí trời. Gặp người hàng xóm, tôi hỏi thăm kiểu câu chuyện làm quà: Đợt này bác nuôi lợn nái hay lợn thịt? Bác hàng xóm đáp: Tôi chỉ nuôi lợn thịt, vì chế độ nuôi lợn thịt và lợn nái khác nhau, nuôi lợn nái phức tạp hơn”, chị Hồng cho hay.
Đột nhiên, chị như được khai sáng vậy, đông trùng mọc cây, đẻ nhánh cũng giống lợn nái đẻ. Nếu tỉ lệ cacbon/nitơ sai, đông trùng chỉ hình thành cơ quan sinh dưỡng mà không hình thành bào tử, tức là cơ quan sinh sản. Ngoài ra, ánh sáng cũng phải thay đổi tùy giai đoạn phát triển. Chị Hồng thử thay đổi công thức, quả nhiên nấm hình thành. Chị nhận thấy lúc đầu mình chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhiều nên chỉ biết mua giống nhưng chưa biết đâu là loại tốt, giống không thoái hóa.
Khi nắm bắt được quy luật của nấm đông trùng hạ thảo và vốn kiến thức thực tế, nhận thấy Đà Lạt là nơi lý tưởng để trồng nấm đông trùng hạ thảo, chị thuê 10.000m2 đất ở đây để mở rộng quy mô, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến với diện tích 5.000 m2.
Được sự hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, từ năm 2017, công ty chị bắt đầu phát triển nguồn gen đông trùng bản địa. Mỗi năm chị lên đỉnh Fansipan hai lần để tìm giống đông trùng Việt. Đến nay, chị đã tìm được 115 chủng giống đông trùng ở Hoàng Liên Sơn. Trong 115 chủng giống này, có những chủng giống có hàm lượng hoạt chất cordycepin rất cao, lên tới 10mg/g.
Đến nay, chị Nguyễn Thị Hồng đã thành công với 15.000 m2 trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Đà Lạt và Thanh Oai (Hà Nội) mở xưởng chế biến thành phẩm, cung cấp giống đông trùng hạ thảo từ cấp 1 trở lên khắp miền Bắc, trở thành đại diện duy nhất của Hà Nội nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của chị có lẽ là đã, đang và sẽ trở thành người nông dân và làm giàu từ nghề nông dân.
Nguồn: Báo Phụ Nữ Thủ Đô (https://baophunuthudo.vn/article/102614/169/chuyen-ve-co-gai-ha-noi-duoc-vinh-danh-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-nam-2021)