[Hà Nội Mới] Thành công bằng tri thức và lòng quyết tâm

(HNM) – Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) là một trong 63 cá nhân được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”. Được biết đến là một người mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực mới ở Việt Nam, đó là nuôi trồng, chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo, trải qua rất nhiều khó khăn với lòng quyết tâm và nhiệt huyết, chị Nguyễn Thị Hồng đã đưa Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc trở thành tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao…

Thành công bằng tri thức và lòng quyết tâm
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng (bên phải) trao đổi kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo với đồng nghiệp.

Khởi nghiệp từ nguồn dược liệu quý

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thanh Oai yên bình, chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980) ngoài giờ học còn giúp cha mẹ trồng nấm. Tuổi thơ gắn với sự vất vả lam lũ của người nông dân, nhưng công việc trồng nấm lại khiến chị yêu thích. Chị ước mơ sẽ đưa công nghệ vào sản xuất nấm để có thể phát triển, mở rộng và làm giàu bằng nghề này.

Ước mơ đó đã thôi thúc chị thi đỗ vào Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngoài việc trau dồi kiến thức trên giảng đường, chị Hồng còn chủ động tham gia các dự án của nhà trường. Điều khiến chị trăn trở khi tìm hiểu tài liệu về đông trùng hạ thảo là tại sao loại nguồn dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao và tốt cho sức khỏe này lại chưa được nuôi trồng tại Việt Nam. 

Từ mối nhân duyên đó, chị Hồng cần mẫn đi tìm câu trả lời và quyết tâm tạo hướng đi cho tương lai của mình gắn với đông trùng hạ thảo. Trải qua 6 năm miệt mài nghiên cứu với sự tư vấn hỗ trợ chuyên môn từ những chuyên gia khoa học hàng đầu Việt Nam, lần lượt các dự án của chị đều thu được kết quả cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Sắt, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, kết quả phân tích thành phần cordycepin – hoạt chất quan trọng quyết định giá trị của đông trùng hạ thảo trong công trình nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng cùng các chuyên gia đã làm ra thành phẩm hoàn toàn vượt trội các mẫu đông trùng hạ thảo trong sản phẩm tương tự trên thị trường.

Từ dấu ấn đó, chị Nguyễn Thị Hồng tiếp tục xây dựng 2 địa điểm nuôi cấy giống đông trùng hạ thảo để chủ động vùng nguyên liệu, một cơ sở tại quê ngoại ở xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ) và một cơ sở tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Khi có nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cho ra đời 12 sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo và sản phẩm được cung cấp tới khách hàng qua hệ thống hàng nghìn cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc đã được xuất khẩu sang các thị trường: Đức, Anh, Australia…

Đi qua thất bại để đến thành công

Kể lại những ngày đầu khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo cũng như quá trình phát triển Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, cảm xúc ùa về với Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hồng. Khi đó, vào những năm 2009-2013, chị Hồng đang loay hoay lo vốn để vừa sản xuất nấm ăn, vừa tiếp tục nghiên cứu cho hướng đi đã chọn.

Chị Hồng kể: “Một buổi chiều mùa đông khi tôi đang phủ rơm cho nấm, thì có đoàn khách xuất hiện. Qua trò chuyện, thấy ở tôi nhiệt huyết, kiến thức và khát khao tạo việc làm cho nhiều người, nên đoàn khách cam kết đầu tư không hoàn lại cho tôi hơn 300 triệu đồng. Khi nhận được số tiền đó, cùng với số tiền gom được từ bán nấm, tôi “dốc” hết vào mua sắm máy móc sản xuất và đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu nuôi cấy đông trùng hạ thảo”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai nuôi cấy trên quy mô lớn không dễ, quy mô nhỏ 500 lọ/mẻ khác với quy mô 5.000 lọ/mẻ. Do đông trùng hạ thảo là loại khá “đỏng đảnh”, trong khi đó vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn, những mẻ nuôi cấy đông trùng hạ thảo bị thoái hóa theo từng giờ chứ không phải từng ngày. Có thời điểm cả chục nghìn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại cả tỷ đồng.

Quyết tâm làm lại, chị Hồng cùng đồng nghiệp lặn lội lên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao gần 3.000m, quan trắc các chỉ tiêu khí hậu, tìm từ trong rừng già đến vùng ven suối, ven hồ… nhiều tháng liền để có được 115 chủng giống đông trùng hạ thảo, trong đó có những chủng giống có hàm lượng hoạt chất cordycepin rất cao, lên tới 10mg/g. Sau đó mẫu giống được chuyển về Hà Nội và tách bào tử luôn trong ngày mới bảo đảm nuôi cấy. Chưa hết khó khăn, 2 năm đầu tiên nuôi cấy đông trùng hạ thảo thành công nhưng doanh nghiệp vẫn chỉ mang đi cho, biếu tặng, chứ không bán được sản phẩm nào.

“Mọi người chưa hiểu đông trùng hạ thảo như thế nào thì cứ dùng thử. Khi dùng thấy tốt, thấy hiệu quả thì người nọ giới thiệu người kia. Tôi bán được chính là từ những những lời giới thiệu của khách hàng”, chị Hồng kể.

Hiện mỗi năm, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cung cấp cho thị trường khoảng 20-30 tấn đông trùng hạ thảo, trong đó 50% cung cấp cho các công ty dược liệu trong nước, 30% xuất khẩu và 20% được công ty chế biến thành sản phẩm tươi, khô, dạng viên. Doanh thu mỗi năm của của công ty đạt trung bình 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương và hàng chục lao động ở các vùng nguyên liệu trong nước, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Điều đáng ghi nhận là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, gây khó khăn chung cho nhiều doanh nghiệp, công ty của chị Hồng đã chủ động bố trí lao động làm việc “3 tại chỗ” để bảo đảm hoạt động sản xuất ở cơ sở nuôi cấy đông trùng. Nhờ đó, công ty vẫn tiêu thụ sản phẩm tốt, nhiều khách hàng mua đông trùng hạ thảo để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bên cạnh thành công, mỗi năm chị Hồng phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho khoảng 300 học viên và giúp nhiều người khởi nghiệp thành công từ đông trùng hạ thảo. Đồng thời, chị thường xuyên đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương, đợt dịch Covid-19 vừa qua, Công ty Thiên Phúc ủng hộ hơn 100 triệu đồng cho quỹ vắc xin và bữa cơm nghĩa tình cho người khó khăn trong dịch bệnh.

Ông Trần Quốc Toản, ở xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai) bày tỏ xúc động khi được chị Hồng hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng lại ngôi nhà dột nát. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Phạm Đình Anh nói: “Chị Hồng là doanh nhân có tài lại có tâm, đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Hằng năm, chị Hồng dành nhiều thời gian cùng Hội Nông dân thành phố và Hội Nông dân huyện Thanh Oai tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo cho hàng nghìn nông dân, qua đó nhiều người đã khởi nghiệp và có cuộc sống mới tốt hơn”.

Được bình chọn là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động. Bởi lẽ, quá trình cố gắng trong những năm qua của chị đã được ghi nhận. Chị luôn tâm niệm muốn tiếp tục phát triển nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo và lan tỏa đến người nông dân, qua đó cung cấp nhiều sản phẩm tăng cường sức khỏe cho mọi người cũng như góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phong-su-Ky-su/1015964/thanh-cong-bang-tri-thuc-va-long-quyet-tam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *