Nghe nói đông trùng hạ thảo là loài nấm dược liệu quý hiếm, nên nhiều người tin dùng mà chẳng mấy quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng và giá cả. Nghi vấn này đã thúc đẩy nhà sinh học Nguyễn Thị Hồng dấn thân vào hành trình đầy gian nan để chinh phục loài dược liệu được ví như “vàng mềm” này. Giờ đây, người phụ nữ nhỏ bé quê Chương Mỹ đã làm chủ được công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo Made in Việt Nam.
Khoảng hơn 20 năm trước, trong một lần tìm hiểu về nấm linh chi, Nguyễn Thị Hồng – cô sinh viên Khoa Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhập từ khóa “nấm dược liệu”. Bất ngờ kết quả google trả về lại là một loài nấm lạ với những công dụng tuyệt vời. Khi đó, cô sinh viên còn chưa biết đó chính là đông trùng hạ thảo.
Rồi đông trùng hạ thảo cũng xuất hiện tại Việt Nam với giá bán vô cùng đắt đỏ, tới 800 triệu/1kg. Nhưng với sự tò mò của một nhà sinh học trẻ, Nguyễn Thị Hồng thắc mắc: “Liệu chất lượng có xứng đáng với số tiền bỏ ra không? Ở Việt Nam có nuôi trồng được không?”. Và câu trả lời mà cô sinh viên nhận được: “Ở Việt Nam không trồng được, còn chất lượng thì cũng không kiểm định được”.
Là một nhà khoa học trẻ, Nguyễn Thị Hồng không hài lòng với câu trả lời đó. Chị mày mò tìm thêm tài liệu, hỏi han các nơi để tìm nơi bán giống đông trùng hạ thảo để tự trồng, nhưng ngoài các tài liệu tìm được trên mạng, chị chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Ở Việt Nam không có giống, không trồng được đâu”.
Xuất thân từ gia đình thuần nông, có kinh nghiệm về nông nghiệp, cộng thêm những kiến thức tích lũy được ở trường đại học và qua các tài liệu, nghiên cứu được về nấm đông trùng hạ thảo, Nguyễn Thị Hồng đặt quyết tâm sẽ nuôi trồng loài nấm dược liệu này. “Mình tin thì mình làm thôi”, người nữ Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc quả quyết. Tuy vậy, đi con đường chưa ai từng đi đã khiến Nguyễn Thị Hồng phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thử thách. Mỗi bước chân đều phải tự dò dẫm, thử nghiệm, kiểm tra lại rất nhiều lần, cũng gặp không ít lần thất bại, rồi mới tìm ra hướng để giải quyết.
Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.
Thời gian đầu, mua được giống để trồng thử cũng rất khó, chị Hồng nhờ vả khắp bạn bè mà không được. Năm 2009, chị quyết định tự mình sang Tây Tạng (Trung Quốc) để tìm mua giống, cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Một mình nơi đất khách quê người, lặn lội mua được giống mang về, nhưng chị Hồng mới vỡ lẽ đó là loại giống đã nhân bản nhiều cấp, chỉ dùng được một lần. Muốn nhân nấm để trồng nhiều lần thì phải mua “giống gốc”. Vậy là thay vì mua 5 triệu/1 ống nghiệm giống chị lại phải bỏ tiền mua loại giống 200 triệu/1 ống nghiệm để nhân bản và nuôi cấy thử ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trồng được nấm đã khó, làm sao để nấm có hàm lượng dược chất cao lại càng khó hơn. Trong khi đó, các cơ sở mà chị đã tham quan đều giữ kín bí quyết, công nghệ, không tiết lộ cụ thể cách làm.
Đông trùng hạ thảo được hiểu là một loại nấm mùa đông ký sinh trên côn trùng, mùa hè phát triển thành thảo dược. Đối với việc nuôi cấy nhân tạo thì phải tạo ra môi trường hoàn toàn tương xứng với môi trường tự nhiên thì cây nấm mới sinh trưởng, phát triển và cho ra sản phẩm với hàm lượng dược chất cao nhất. Để giải quyết vấn đề này, chị Hồng và cộng sự phải tự nghiên cứu và áp dụng kiến thức vào nuôi cấy, thử nghiệm để biết cây nấm sinh trưởng ở nhiệt độ bao nhiêu là lý tưởng, ánh sáng ra sao, nhiệt độ thế nào.
Sau nhiều lần thất bại, sau bao đêm mất ngủ nghiên cứu, sau những ngày giam mình trong phòng lục tung các tài liệu, thử đi thử lại, cuối cùng chị Hồng đã chinh phục được bí quyết trồng loài nấm dược liệu được ví là “vàng mềm” này.
Khoa học công nghệ hiện nay đã xác định đông trùng hạ thảo có những hoạt chất sinh học như cordycepin, adenosine, 17 amino acid không thay thế, các nguyên tố vi lượng và các loại vitamin. Hiện nay, chi nấm Cordyceps được xác định có khoảng 500 loài và là chi lớn nhất trong họ Clavicipitaceae. Trong chi nấm Cordyceps có 2 loài được khai thác nghiên cứu nhiều nhất là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và C. militaris (L. ex Fr.) Link. Chủng nấm Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. ký sinh trên sâu non loài Hepialus armoricanus, chỉ phân bố trên dãy núi Hymalaya ở độ cao 3500-4000m. Chủng nấm C. militaris (L. ex Fr.) Link. ký sinh trên nhộng của côn trùng bộ cánh phấn (Lepidoptera) phân bố ở một số vùng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, có thành phần hoạt chất sinh học tương tự C. sinesis.
Năm 2010, chị Nguyễn Thị Hồng quyết định mở công ty CP Dược thảo Thiên Phúc.
Tháng 10/2011, công ty của chị đã nghiên cứu thành công trồng đông trùng hạ thảo trên giá thể nhân tạo ở quy mô nhỏ 200 lọ/ ngày với hàm lượng cordycepin (thành phần chính của đông trùng hạ thảo) đạt 0,37mg/g, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.
Sau 2 năm tiếp tục nghiên cứu và phát triển, năm 2013, Công ty Dược thảo Thiên Phúc đã hoàn thiện quy trình công nghệ đưa vào nuôi trồng đông trùng hạ thảo với quy mô công nghiệp tại Lâm Đồng và Hà Nội.
Năm 2011, Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tổng hợp trong phòng thí nghiệm, với các nguyên liệu sẵn có như gạo lứt, nước dừa, bột nhộng tằm… và có bổ sung các vi chất cần thiết.
Năm 2013, công ty Thiên Phúc đã được UBND Thành phố Hà Nội giao chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ là dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất quả thể đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô công nghiệp” với sản phẩm sản xuất thử nghiệm là 200kg quả thể đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris tươi đạt hàm lượng Cordycepin tới 3,7mg/g, gấp 10 lần so với kết quả thu được năm 2011.
Suốt thời gian từ năm 2009 đến 2013, toàn bộ các sản phẩm nuôi trồng được chị Hồng đều mang đi kiểm nghiệm và tặng mọi người dùng thử. Qua theo dõi và tiếp nhận phản hồi, chị Hồng nhận thấy đông trùng hạ thảo quả thực rất tốt cho các bệnh nhân hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm đường hô hấp trên, làm sạch phổi với những người hút thuốc lá nhiều, và đặc biệt đông trùng hạ thảo tốt cho thận cả nam và nữ.
Mọi người sau khi được tặng sản phẩm dùng thử, dùng thấy tốt và có công dụng thực sự đã quay lại tìm mua đông trùng hạ thảo của chị Hồng.
Tới thời điểm này, tưởng rằng đã thành công, nhưng không, khó khăn lại ập tới: Sản xuất quy mô 500 lọ khác với quy mô 5.000 lọ. Khi mở rộng quy mô sản xuất, nấm lại bị chết hàng loạt hoặc mọc rất yếu. Có thời điểm cả nghìn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại cả tỷ đồng. Mà vốn lớn hơn, tâm huyết nhiều hơn, nghĩa là thất bại cay đắng hơn. Chị Nguyễn Thị Hồng phải xoay sở mọi cách để duy trì cơ sở sản xuất. Thời gian đó, thậm chí khi chuẩn bị đi sinh con vợ chồng chị còn phải “cắm” cả chiếc xe máy trong nhà.
Chúng tôi không lường trước được sự thoái hóa giống đối với đông trùng hạ thảo diễn ra quá nhanh như vậy. Cấy giống không hết, chúng tôi để sang ngày mai. Thế nhưng kết quả nuôi cấy đông trùng ngày mai hoàn toàn khác với ngày hôm nay. Giống đông trùng bị thoái hóa theo từng giờ, chứ không phải theo từng ngày nữa. Chỉ cần thời gian chênh nhau 1-2 giờ cũng làm kết quả khác hoàn toàn.Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc
Thất bại là mẹ thành công, Nguyễn Thị Hồng cười: “Giờ thì chúng tôi đã biết nguyên nhân nấm chết thời điểm đó là do thoái hóa giống”.
Nhưng khi đó, suốt mấy tháng trời, chị Hồng không hiểu nguyên nhân tại sao: Tất cả các bước đều tuân thủ, quy trình đều làm như nhau, độ ẩm, nhiệt độ, môi trường duy trì như thế, tại sao có mẻ được, có mẻ lại hỏng.
“Khi liên hệ với bên Trung Quốc, Thái Lan, người ta cũng bảo việc hỏng là bình thường: “Ở đây chúng tôi cũng hỏng nhiều”, chị Hồng nhớ lại thời điểm khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp.
Hỏi han khắp nơi không ra nguyên nhân, thế nhưng, lời giải lại tình cờ đến khi chị trò chuyện với những người nông dân chung quanh. Từ kinh nghiệm của những lão nông tri điền, chị Hồng mới chiêm nghiệm ra cốt lõi nguyên nhân nấm chết khi sản xuất hàng loạt chính là do thoái hóa giống.
Từ kinh nghiệm của những lão nông tri điền, chị Hồng mới chiêm nghiệm ra cốt lõi nguyên nhân nấm chết khi sản xuất hàng loạt chính là do thoái hóa giống.
“Chúng tôi không lường trước được sự thoái hóa giống đối với đông trùng hạ thảo diễn ra quá nhanh như vậy. Cấy giống không hết, chúng tôi để sang ngày mai. Thế nhưng kết quả nuôi cấy đông trùng ngày mai hoàn toàn khác với ngày hôm nay. Giống đông trùng bị thoái hóa theo từng giờ, chứ không phải theo từng ngày nữa. Chỉ cần thời gian chênh nhau 1-2 giờ cũng làm kết quả khác hoàn toàn” – chị Hồng cho biết.
Thế là, việc đi mua giống ở nơi khác dù đắt đỏ cũng không bền, vì không thể kiểm soát được chất lượng giống. Nhà khoa học trẻ lại trăn trở đi tìm giải pháp.
Hiện nay, nhà nuôi trồng nấm của công ty Dược thảo Thiên Phúc sử dụng thiết bị điều khiển độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng (IoT) bảo đảm môi trường tối ưu cho cây nấm dược liệu phát triển và đạt hàm lượng cordycepin cao nhất.
CHỦ ĐỘNG NGUỒN GENE ĐỂ THÀNH CÔNG NUÔI CẤY ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO
Phát hiện được nguyên nhân thất bại là do thoái hóa giống, chị Hồng dần xác định mục tiêu phải thu thập, khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn gene bản địa.
Được sự hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm chị Hồng cùng các cộng sự có 2 chuyến lên Fansipan tìm nguồn gene, thường thì vào tháng 4 và tháng 10 khi thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho nấm phát triển.
Fansipan – đỉnh núi cao nhất Đông Dương với độ cao 3.143m nằm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, đây là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của nước ta.
Năm 2009, lần đầu tiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phát hiện loài nấm nhộng trùng thảo Cordyseps militaris (L.:Fr) Link, khẳng định đây là nơi sinh trưởng, phát triển của nhiều loài có giá trị đối với y học Việt Nam và thế giới.
Mô hình đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên.
Mỗi lần lên Fansipan tìm giống nấm, chị Hồng thường đi cùng đoàn 7-10 người và làm việc liên tục khoảng 2 tuần, nhưng không phải năm nào đoàn cũng may mắn tìm được nấm giống, có những năm đi cả tháng cũng không tìm được.
“Chúng tôi thường tìm kiếm chung quanh các con suối, dưới những gốc cây to… Đó phải là những nơi có khí hậu ẩm, thảm thực vật dày, ít ánh sáng, ở độ cao khoảng 2.200-2.800m” – chị Hồng cho biết.
Khi tìm được nguồn gene quý, chị và cộng sự sẽ định danh ADN, nghiên cứu độc tính cấp và độc tính bán trường diễn, và nếu an toàn thì chuyển sang phân tích hoạt chất quý trong nấm tự nhiên. Khi phát hiện giống đó tốt thì nghiên cứu tiếp về quy trình, môi trường nuôi trồng để giống đạt hàm lượng cao, và khó nhất là quy trình chống thoái hóa giống.
Khi tìm được nguồn gene quý, chị Hồng và cộng sự sẽ định danh ADN, nghiên cứu độc tính cấp và độc tính bán trường diễn, và nếu an toàn thì chuyển sang phân tích hoạt chất quý trong nấm tự nhiên. Khi phát hiện giống đó tốt thì nghiên cứu tiếp về quy trình, môi trường nuôi trồng để giống đạt hàm lượng cao, và khó nhất là quy trình chống thoái hóa giống. Ảnh: NVCC
“Năm 2017, chúng tôi được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì nhiệm vụ khoa học-công nghệ “Hoàn thiện, nâng cấp quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa Cordyceps militaris” do Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ. Mục tiêu của đề tài là nhằm đổi mới công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của loài nấm dược liệu này tại Việt Nam. Các mục tiêu này đã đạt được và một trong những thành quá đáng kể nhất là chúng tôi đã hoàn thiện quy trình chống thoái hóa chủng giống Cordyceps militaris” – chị Hồng cho biết.
Hiện nay, với giống bản địa, hàm lượng Cordycepin trong nấm đông trùng thảo mà công ty Thiên Phúc của chị Hồng nuôi trồng đạt trên 10mg/g, cao gấp 30 lần so với mức 0,37mg/g khi chị phải đi mua giống nấm và bắt đầu trồng năm 2011.
Có thể nói, thành công của Thiên Phúc ngày hôm nay chính là nhờ vào quỹ gene đông trùng hạ thảo, giúp công ty chủ động về giống. Đến nay, chúng tôi đã có bộ giống đông trùng hạ thảo gồm 15 chủng giống có hoạt chất cao. Khi kiểm soát được chất lượng giống, sản phẩm sản xuất ra luôn ổn định về chất lượng và chúng tôi đã nuôi trồng thành công ở quy mô lớn.Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc
Ngoài chú trọng đầu tư phát triển nguồn gene, chị Hồng cũng chú trọng quản lý quy trình sản xuất. Hiện nay, hệ thống quản lý chất lượng xưởng sản xuất của Thiên Phúc đạt ISO 22000:2018 cho lĩnh vực sản xuất chế biến, chế phẩm thành sản phẩm đông trùng hạ thảo.
Đến cuối năm 2020, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc tại Hà Nội được cấp chứng nhận GACP-WHO. Ngoài ra, Thiên Phúc cũng đã đạt chứng nhận FDA của Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ.
“Thiên Phúc là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước nhận chứng nhận GACP-WHO đối với dược liệu Đông trùng hạ thảo. Chứng nhận GACP-WHO cũng giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong xuất khẩu sản phẩm” – chị Hồng phấn khởi chia sẻ.
GACP là từ viết tắt của Good Agricultural and Collection Practices, tức “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là các nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả của dược liệu. Việc sở hữu nơi nuôi trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng nguồn dược liệu, giúp nhà quản lý kiểm soát được tình trạng dược liệu giả kém chất lượng tràn lan thị trường.
Với kinh nghiệm 13 năm trong nghiên cứu và sản xuất, Thiên Phúc không chỉ dừng lại ở những sản phẩm nguyên bản như đông trùng hạ thảo khô hay tươi, mà còn nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất cao định chuẩn hàm lượng cordycepin 50mg/g, đưa cao định chuẩn phối hợp các thuốc cổ phương, bài thuốc y dược cổ truyền để bào chế ra nhiều sản phẩm phù hợp hơn với người dùng, như viên nang Banikha, phổ phế Banikha, bổ thận Banikha, nước uống đông trùng, trà đông trùng túi lọc.
Qua những nỗ lực không ngừng, đến nay, công ty là nhà cung cấp phôi giống đông trùng hạ thảo cho các cơ sở vệ tinh ở nhiều tỉnh thành. Các sản phẩm đông trùng hạ thảo Thiên Phúc cũng có mặt trên cả nước qua hệ thống 57 showroom và hệ thống bán hàng qua mạng, các trang thương mại điện tử.
Đến cuối năm 2020, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc tại Hà Nội được cấp chứng nhận GACP-WHO.
MUỐN VƯƠN XA CẦN TRUY XUẤT ĐƯỢC NGUỒN GỐC
Trong số 518 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội phân hạng và cấp giấy chứng nhận OCOP năm 2022, huyện Chương Mỹ có 46 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong số đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm được đánh giá đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao.
Sản phẩm tiềm năng 5 sao duy nhất của huyện Chương Mỹ trong đợt đánh giá trên chính là sản phẩm Đông trùng hạ thảo sấy đông khô do Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc của chị Hồng sản xuất tại cơ sở ở xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Công ty Dược thảo Thiên Phúc có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Chị Hồng cho biết, năm 2022 công ty của chị bắt đầu tham gia OCOP và có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Sau khi tham gia, công ty chị nhận được rất nhiều ưu đãi từ chương trình. Sản phẩm của Dược thảo Thiên Phúc được hỗ trợ về nhiều mặt, được tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại từ trong nước đến quốc tế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Hội Nông dân của TP Hà Nội đều có các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP cực kỳ rộng rãi và hiệu quả.
Ngoài ra, theo chị Hồng, việc tham gia OCOP yêu cầu các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn rất nghiêm ngặt, điều này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn chất lượng hơn. Khi cầm trên tay một sản phẩm OCOP, người tiêu dùng cũng dễ dàng biết được thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm đang được đẩy mạnh xuất khẩu của Dược thảo Thiên Phúc.
Khi cầm trên tay một sản phẩm OCOP, người tiêu dùng cũng dễ dàng biết được thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm đang được đẩy mạnh xuất khẩu của chúng tôi.Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc
“Hiện nay Đông trùng hạ thảo sấy khô của chúng tôi đã được xuất khẩu sang Úc và Pháp, hiện công ty đang mở rộng thị trường sang Singapore và các nước Đông Nam Á khác. Người tiêu dùng một số nước, chẳng hạn như Thái Lan, họ rất thích sản phẩm đạt OCOP” – chị Hồng cho biết.
Với chất lượng sản phẩm đã được kiểm định khắt khe, vấn đề khó khăn nhất của công ty chị khi xuất khẩu các sản phẩm sang các nước khác nhau là phải tìm hiểu và tuân thủ đúng các chính sách, quy định pháp lý về nuôi trồng và kinh doanh đông trùng hạ thảo thay đổi tùy theo vùng và quốc gia.
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ và xã Phú Nam An tham quan cơ sở sản xuất của công ty Dược thảo Thiên Phúc.
Ngoài ra, đối với chị Hồng – nhà khoa học đã được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 có sự nghiệp gắn bó với những người nông dân và mảnh đất quê hương – việc tham gia chương trình OCOP còn là để thúc đẩy phát triển kinh tế cộng đồng và cải thiện cuộc sống của không chỉ những người dân trên địa bàn, mà cả những người nông dân đang liên kết cung cấp nguyên liệu cho công ty.
Thăm cơ sở sản xuất của chị Hồng tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, chúng tôi gặp rất nhiều những người phụ nữ vốn là người dân địa phương trong bộ đồng phục công ty. Mỗi người đảm nhận một vị trí khác nhau, nhưng họ đều phấn khởi vì có việc làm ổn định lại gần nhà.
Trong khu nuôi cấy, những người phụ nữ đang thoăn thoắt cắt nhộng tằm. Chị Hồng giải thích, sau quá trình nuôi cấy đạt chuẩn, bào tử nấm sẽ được tiêm vào con nhộng tằm sống rồi bắt đầu nảy mầm. Quá trình đấu tranh sinh tồn sẽ diễn ra, cây nấm sau đó sẽ phát triển bằng chất dinh dưỡng từ xác nhộng tằm.
Điều kiện tiên quyết đối với nhộng tằm dùng để nuôi cấy nấm đông trùng là phải được nuôi trên lá dâu sạch, không có thuốc, không có phân bón hóa học. Thậm chí, khi trời mưa, con tằm ăn lá dâu ướt cũng sẽ khiến nấm không phát triển tốt.
Điều kiện tiên quyết đối với nhộng tằm dùng để nuôi cấy nấm đông trùng là phải được nuôi trên lá dâu sạch, không có thuốc, không có phân bón hóa học. Thậm chí, khi trời mưa, con tằm ăn lá dâu ướt cũng sẽ khiến nấm không phát triển tốt.
Chị Hồng chia sẻ, ban đầu, công ty phải tự nuôi tằm để thử nghiệm, còn hiện nay, nguồn tằm sạch được các cơ sở nuôi tằm tại nhiều địa phương cung cấp.
Trong thời điểm Covid-19, khi nhiều đơn vị lao đao vì đầu ra thì sản phẩm đông trùng hạ thảo của chị Hồng lại bán rất tốt do có tác dụng nâng cao sức khỏe. Và trong thời điểm khó khăn ấy, điều chị Hồng vui nhất là đã hỗ trợ được rất nhiều cho bà con nông dân nuôi tằm đang gặp khó do không xuất khẩu được vỏ kén tơ tằm sang Trung Quốc vì đại dịch. Một lượng lớn kén tằm cho bà con ở Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Nội, Thái Bình đã được công ty tiêu thụ.
“Tôi nghĩ rằng, để sản xuất bài bản, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau. Nông dân có nguồn nông sản, doanh nghiệp có dây chuyền, công nghệ chế biến sâu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nông dân sẽ không phải lo lắng khi thị trường bị đóng băng hoặc tiêu thụ khó khăn”, chị Hồng nói.
Hiện nay, công ty Thiên Phúc của chị Hồng đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để xử lý khép kín các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp mà chị Hồng đang áp dụng là nuôi sâu canxi để ăn các phế phẩm trong quá trình sản xuất đông trùng hạ thảo. Sau đó, sâu canxi sẽ được dùng làm thức ăn nuôi gà ác để cho trứng và chất lượng thịt khác biệt. Gà ác hầm đông trùng là sản phẩm mà chị Hồng đã và sẽ tiếp tục cho ra mắt thị trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một khó khăn nảy sinh mà chị Hồng gặp phải khi muốn mở rộng quy mô sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tại cơ sở ở xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là vấn đề đường giao thông hiện còn chưa thuận tiện, xe tải lớn không thể đến tận cơ sở. Vì vậy, nhiều dự định của chị đành tạm gác lại để chờ một con đường rộng hơn chạy qua cơ sở sản xuất của mình.
“Mình gắn bó với cơ sở này cũng mười mấy năm rồi. Bố mẹ mình ở đây, và khi quyết định gắn bó với mảnh đất quê hương, mình cũng xác định có những khó khăn cần chia sẻ và không phải khó khăn nào cũng có thể giải quyết ngay được” – chị Hồng bộc bạch.
Khi quyết định gắn bó với mảnh đất quê hương, mình cũng xác định có những khó khăn cần chia sẻ và không phải khó khăn nào cũng có thể giải quyết ngay được.Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc
Chị Nguyễn Thị Hồng muốn truyền cảm hứng và niềm đam mê của mình cho những người trẻ để họ có tình yêu với nông nghiệp.
Tự nhận mình là một người nông dân, chị Nguyễn Thị Hồng bày tỏ mong muốn được truyền cảm hứng và niềm đam mê của mình cho những người trẻ để họ có tình yêu với nông nghiệp. Cơ sở nuôi trồng của chị luôn mở cửa với các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Các em được hướng dẫn chi tiết về quy trình nuôi trồng, sau đó, được thực hành tại cơ sở và được mang sản phẩm của mình về nhà quan sát.
“Mình phải gây dựng một thế hệ nông dân mới, những người trẻ tuổi có ước vọng và dám thử nghiệm. Phải có những người làm nông nghiệp để nước mình chủ động được nguồn giống, nguồn gene, chứ nếu không thì cây giống, con giống mình cứ phải đi nhập khẩu mãi. Rồi sẽ có thật nhiều những người nông dân thành công hơn mình, và tương lai, nước ta sẽ phát triển nhờ vào nông nghiệp công nghệ cao”, chị Hồng tin tưởng.
Nguồn: https://special.nhandan.vn/OCOP-dong-trung-ha-thao-Thien-Phuc/index.htm
CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC THẢO THIÊN PHÚC
- Văn phòng: Số 740 Quang Trung, La Khê, Hà Đông, Hà Nội
- Khu nuôi trồng: BL – 84 khu quy hoạch Yersin – P.9 – TP. Đà Lạt
- Hotline: 0916 33 1080
- Email: admin@duocthaothienphuc.vn
- Fanpage: Dược thảo Thiên Phúc
- Showroom và đại lý: Danh sách đại lý
- Đăng ký CTV và Đại lý: admin@duocthaothienphuc.vn